Thứ Ba, Tháng 7 1, 2025

Những Việt kiều di cư ngược

Must read

Cô gái 30 tuổi đã có công việc và cuộc sống ổn định ở Canada. Minh Tâm nói không gặp trở ngại gì trong hội nhập ngoại trừ cảm giác đeo đuổi suốt 8 năm rằng mình không thuộc về nơi này.

Cô sống một mình, ban ngày làm nghiên cứu trong trường, buổi tối và cuối tuần làm thêm ở trung tâm thương mại. Có tuần cô làm đủ 7 ngày, rời nhà từ sớm, về khi trời đã tối. Tâm thường ghé siêu thị, mua gà quay, rau và bánh mì. Một con gà ăn cả tuần, sáng bánh mì, tối cơm với rau luộc và thịt gà. “Cuộc sống đơn độc, lặp đi lặp lại”, cô nói.

Ý định trở về của Tâm xuất phát từ hai khoảnh khắc. Trong đợt về thăm nhà năm ngoái. Khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, cảm giác nhớ nhà bất ngờ trào lên.

“Chỉ khi đặt chân xuống quê hương, nỗi nhớ mới trỗi dậy”, cô nói. Khoảnh khắc thứ hai đến vào một buổi trưa, khi cô nằm mơ thấy bố mẹ khóc và giữ mình ở lại. Tỉnh dậy, cô bần thần một lúc, nhìn qua cửa sổ thấy tán phượng đung đưa trong gió và chợt nhận ra mình, cũng như chúng, thuộc về mảnh đất này.

Người thân đón Việt kiều về nước ăn Tết tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau 6 năm rời quê hương theo hai con sang Mỹ và Australia định cư, bà Nguyễn Thị Hương quyết định trở về Việt Nam, sống một mình trong căn nhà ở quận 8, TP HCM.

Bà Hương từng làm y tá, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con gái ăn học. Khi bà nghỉ hưu được chục năm, các con lần lượt lập gia đình, ổn định cuộc sống ở nước ngoài và đón mẹ sang.

Năm 2019 bà sang California (Mỹ), nghĩ mình sẽ sớm thích nghi với cuộc sống xứ người vì bà nói được tiếng Anh, tính cách thoải mái, cởi mở.

Nhưng bà nhanh chóng thấy hụt hẫng. Ở Mỹ, con gái, con rể và cháu đi làm cả ngày. Cộng đồng người Việt đông nhưng sống rải rác, ai cũng bận, không thể trò chuyện hay ghé thăm.

Để chống chọi buồn chán, bà tự bắt xe buýt đi siêu thị gần nhà, ra ngoài cho khuây khỏa. Tại quầy thanh toán, nhân viên nói nhanh, mặt lạnh lùng, đẩy hàng qua loa như không muốn phục vụ. Cảm giác bị kỳ thị khiến từ đó bà ngại ra ngoài, giao tiếp.

Một lần ngồi trong công viên, bà Hương được một phụ nữ dúi vào tay 10 USD, vì tưởng là người vô gia cư. Khoảnh khắc đó khiến bà khóc và quyết định về nước.

Con gái thứ hai đón bà sang Australia nhưng tình hình không khá hơn. Mọi thứ vẫn xa lạ, nhịp sống nhanh, nhà cửa thưa thớt. Việc duy nhất trong ngày của bà là làm sạch khoảng sân vườn. “Cô đơn đến nỗi tôi nhặt tay từng chiếc lá cho vào túi, không dám cào vì sợ hết lá, không còn việc gì làm”, bà kể.

Ở Australia ba tháng, bà Hương nhất quyết đòi về. Năm 2023, bà trở lại Việt Nam, sửa lại căn nhà ở quận 8, TP HCM, chia làm hai phần, một nửa để ở, một nửa cho thuê làm tiệm phở.

Mỗi ngày, bà Hương nhìn người ra vào tấp nập, trò chuyện rôm rả trước tiệm phở, thấy lòng nhẹ nhõm. Đề phòng vấn đề sức khỏe bất ngờ, bà để sẵn thuốc men ở đầu giường, điện thoại luôn trong tầm tay để gọi cấp cứu khi cần.

“Nhưng với tôi, cuộc sống này mới thật sự là sống”, bà nói.

Bà Hương và Minh Tâm thuộc nhóm return migrants (người di cư trở về) – người từng định cư ở nước ngoài nhưng quyết định di cư ngược về quê hương. Theo báo cáo Migration Profile Vietnam của tổ chức Di cư quốc tế (IOM),mỗi năm có khoảng 500.000 người Việt từ nước ngoài trở về. Trong đó, nhóm di cư hồi hương khoảng 25.000 người. Nhóm này đang có xu hướng tăng cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và mức sống được cải thiện.

Báo cáo của Vụ Các vấn đề kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc (UNDESA), nhiều người Việt thuộc thế hệ thứ hai cho biết cảm thấy không hoàn toàn thuộc về xã hội sở tại nên quyết định trở về. Đặc biệt tại Mỹ, 60% người gốc Việt là người nhập cư, chưa thực sự hòa nhập về ngôn ngữ, văn hóa và vị thế xã hội.

Nhưng phó giáo sư Catherine Earl, nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người di cư quay về, không chỉ vì khó thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài.

Các nghiên cứu của bà cho thấy trong thế kỷ 21, di cư không còn là hành trình một chiều, chỉ có ra đi. Nhờ toàn cầu hóa, người di cư có xu hướng dịch chuyển giữa nhiều nơi, bao gồm quê hương, nơi học tập, làm việc, lập gia đình và nuôi con.

Dù vậy, nhiều người rơi vào trạng thái lưng chừng, không thật sự thuộc về quốc gia mới. Họ dễ bị tổn thương nếu chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc thay đổi môi trường, gặp sốc văn hóa, xa lạ cả về ngôn ngữ, ẩm thực, tôn giáo, khí hậu, lối sống.

Nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi thực tế không giống kỳ vọng, hoặc thay đổi mục tiêu khi phát hiện những lựa chọn mới. Thực trạng hồi hương không chỉ xuất phát từ lựa chọn cá nhân, mà còn phản ánh khoảng trống chính sách trong giáo dục, việc làm và môi trường tiếp nhận văn hóa.

Nếu không được giải quyết, điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, gián đoạn kết nối xuyên thế hệ và hạn chế quá trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam.

“Ngược lại, nếu có chính sách phù hợp, người hồi hương sẽ là lực lượng đóng góp tích cực cho sự phát triển trong nước”, bà Catherine Earl nói với VnExpress.

Nguyễn Thanh Bình trong chuyến du lịch ở Việt Nam năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Thanh Bình đã chọn về Việt Nam sau 20 năm sống ở TP Regensburg, bang Bavaria, Đức.

Di cư từ năm 10 tuổi, anh nói tiếng Đức như người bản xứ và dần hòa nhập với cuộc sống phương Tây. Ngoài trải nghiệm không mấy dễ chịu tại Đông Đức, nơi anh từng đối mặt với phân biệt chủng tộc và bạo lực học đường, phần lớn thời gian còn lại anh có công việc ổn định và môi trường sống tốt.

Nhưng anh vẫn luôn cảm thấy thiếu một sự kết nối sâu sắc, cảm xúc chỉ tìm thấy trong những mối quan hệ gắn bó đậm chất Á Đông. “Tôi bắt đầu tự hỏi đâu mới là nơi mình thực sự thuộc về”, anh nói.

Năm 2023, anh quyết định trở về Việt Nam sau khi bạn thân người Đức qua đời và để lại lời nhắn “Hãy sống đúng với ước mơ của mình”.

Quyết định này khiến gia đình và bạn bè bất ngờ, bởi lúc đó anh sắp hoàn tất nghiên cứu tiến sĩ và có vị trí giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng ở Đức.

Anh thuyết phục người thân rằng sẽ về thử sống ở Việt Nam hai năm, nếu không phù hợp thì quay lại. “Tệ nhất thì tôi cũng có thêm trải nghiệm sống và làm việc tại quê hương, điều mà tôi luôn khao khát”, anh nói.

Nhưng khi đã trở về, anh biết mình không muốn ra đi nữa.

Ngọc Ngân

Source

- Advertisement -spot_img

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img

Latest article